Bùi Hiền
Ngày nay nhu cầu an dưỡng của người cao tuổi ngày càng tăng, bởi lẽ kiểu gia đình tam-tứ đại đồng đường không còn phù hơp với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện đại nữa. Người già ở thành thị lẫn nông thôn không thể dựa hoàn toàn vào con cái và con cái cũng không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện chăm sóc cha mẹ già được như mong muốn.
Để giải quyết những nhu cầu sinh hoạt đa dạng của người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi người, trong những năm gần đây đã hình thành nhiều mô hình nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi.
Đại đa số nhà an dưỡng đều có dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ sinh hoạt và bệnh tật của người già không còn hoặc kém khả năng tự phục vụ.
Tuy nhiên số người cao tuổi còn tương đối khoẻ, còn tự phục vụ, thậm chí còn chút khả năng lao động chân tay và trí óc, cũng rất muốn có nơi nghỉ dưỡng phù hợp.
Chẳng hạn ngoài việc được nuôi dưỡng và chăm sóc y tế, họ cần có một tiểu môi trường tự nhiên, văn hoá, xã hội để tự do tham gia, duy trì các sở thích lành mạnh của riêng mình, như thư viện, câu lạc bộ, sân chơi thể dục thể thao, khuôn viên trồng trọt cây cảnh, các chuồng, ao nuôi chim, cá cảnh, …
Sau một thời gian tìm kiếm, thăm thử cả trong và ngoại thành Hà Nội, tôi đã thấy và và thoả thuận với con cháu đến xin “định cư” tại viện dưỡng lão FDC (Family Doctor Center).
Nơi có nhà ở với cầu thang điện và tiện nghi hiện đại, có khuôn viên xinh đẹp, không khí trong lành, cách Hà Nội 50km, nhưng gần núi Ba Vì.
Với điều kiện tuyệt vời ấy, đội ngũ lãnh đạo và cán bộ nhân viên đầy nhiệt tình và sáng tạo của Viện đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của cá nhân tôi và gia đình.
Con cháu chỉ phụ thêm 5 triệu vào lương hưu để đủ cho tôi đóng viện phí và chi tiêu cá nhân cần thiết (khám chữa bệnh, in ấn tài liệu nghiên cứu, sinh hoạt khoa học, hội hè, tham quan du lịch…).
Như vậy là con cháu và bản thân tôi đã giải phóng được hầu hết các công việc nuôi dưỡng, chăm sóc sinh hoạt các nhân, được an tâm làm ăn và sinh hoạt thoải mái.
Tôi có căn phòng riêng rất hiện đại cộng thêm máy tính, tủ sách cá nhân nên hằng ngày tôi có thể đọc sách báo, nghiên cứu, in ấn tài liệu, giao lưu qua mạng với bạn bè trong và ngoài nước.
Ngày 3 bữa (tôi không dùng bữa phụ buổi chiều) các cháu mang vào tận phòng.
Chiều chiều bỏ vài giờ ra thăm vườn, vận động chân tay, nghe đài dưới chòi hóng gió (nghênh phong), cho cá vàng ăn, chăm sóc cây cảnh, tìm hái dâu, đào, chay, mít, hồng xiêm, bưởi, dưa chuột, cà phê, sim chín…mùa nào thức ấy !
Đúng như cuộc sống vui thú điền viên của các nho sĩ thời xưa, nhưng hơn hẳn về tiện nghi sinh hoạt! Bản thân tôi cũng có nhà cửa, vườn tược ở quê, nhưng tôi không thể về sống một mình tự cấp tự túc ở đó được, mặc dù xung quanh vẫn có bà con họ hàng thân thuộc!
Sau 6 tháng sống ở viện FDC tôi thấy sức khoẻ mình tăng lên rõ rệt, tinh thần, tình cảm cũng nâng lên đáng kể, khiến cảm nhận cuộc sống càng giá trị và đáng yêu hơn. Tuổi già được thế này còn gì phấn khởi, hạnh phúc hơn!
Đây là một số hình ảnh cuộc sống của tôi tại viện dưỡng lão FDC:
Ảnh trên do một bạn không quen biết đến thăm viện rồi chụp lén tại “nghênh phong đình” lúc nào không biết. Hôm nay được bảo vệ chuyển cho với lời đề: “Kính tặng bác Bùi Hiền. Người đâu gặp gỡ làm chi. Kí tên Thanh Bình, người quê bầm” (Bầm nghĩa là Mẹ theo tiếng Phú thọ quê mình), nhưng không cho địa chỉ nên không liên hệ được. Cũng thú vị chứ nhỉ?
Tự vịnh: “Một mình một ghế thảnh thơi ngồi, An nhàn tự tại thế này thôi! Cái ngày trăm tuổi sắp tới nơi, Có chi mình để lại cho đời? Kiểm lại xem! (Theo Nguyễn Công Trứ: Anh đã sinh ra trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông!)
Tự tại an nhiên giáng lão Tiên, Bồng lai thiên cảnh chẳng ưu phiền, một mình thư thái bên chiều vắng. Vui đời tốt đạo sống bách niên!